– Điểm giống nhau

Đều chỉ hành vi dùng tài sản giao cho người có quyền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

– Điểm khác nhau:

2.1.1. Khái niệm

– Cầm cố là 1 biện pháp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra định nghĩa về cầm cố tài sản như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

– Cầm đồ là 1 hoạt động kinh doanh có điều kiện, thuộc nhóm ngành nghề “dịch vụ hỗ trợ tài chính”.

2.1.2. Mục đích

– Cầm cố tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ với bên có quyền. Khi lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản, bên có nghĩa vụ với mục đích đảm bảo với bên có quyền rằng bản thân mình chắc chắn thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, bên có quyền sẽ sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định nhằm xử lý tài sản cầm cố thay cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Ngược lại, đối với bên có quyền, lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản là để đảm bảo rằng quyền của mình sẽ được bảo đảm bằng hành vi hoặc bằng tài sản của bên có nghĩa vụ.

– Cầm đồ chỉ tên gọi một loại hình kinh doanh dịch vụ theo đó mục đích của việc cầm đồ cũng giống với cầm cố.

2.1.3. Đặc điểm và điều kiện thực hiện.

– Đối với hành động cầm cố tài sản

+ Những tài sản là vật hữu hình sẽ là đối tượng của cầm cố. Đối với quyền tài sản hay tài sản hình thành trong tương lai phải có các giấy tờ pháp lý cụ thể để xác định quyền sở hữu của bên bảo đảm và chắc chắn nó sẽ hình thành trong tương lai sẽ trở thành đối tượng của các giao dịch bảo đảm. Khi giao kết hợp đồng sẽ chuyển giao các giấy tờ liên quan và khi tài sản hình thành hay quyền tài sản được thanh toán sẽ yêu cầu bên cầm cố chuyển giao bản thân những tài sản đó cho bên nhận cầm cố.

Khi tài sản được chuyển giao, bên nhận cầm cố sẽ giữ tài sản đó hoặc ủy quyền cho người thứ ba giữ tài sản; trường hợp ủy quyền cho người thứ ba thì bên nhận cầm cố vẫn phải chịu trách nhiệm chính trước bên cầm cố về những thiệt hại gây ra cho tài sản cầm cố.

+ Biên bản bàn giao tài sản hay việc ký kết nhận tài sản bảo đảm là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ cầm cố.

– Đối với loại hình kinh doanh cầm đồ

Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP điều kiện kinh về an ninh trật tự đối với dịch vụ cầm đồ như sau:

“Điều 29. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 25 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có trách nhiệm:

1. Kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố, gồm: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ cá nhân khác có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp, còn giá trị sử dụng, đồng thời photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh.

2. Lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.

3. Đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu và cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản.

4. Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.

5. Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.

6. Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự.

7. Bố trí kho bảo quản tài sản cầm cố và đảm bảo an toàn đối với tài sản của người mang tài sản đến cầm cố.”