Cơ sở thực tiễn của nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
1.Căn cứ pháp lý
Hiến pháp năm 2013
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014
2.Giải quyết vấn đề
1. Nội dung cơ bản về nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm là tổng hợp các phương tiện, biện pháp về xã hội, pháp luật, kinh tế, tổ chức nhằm hạn chế và ngăn chặn những tác động vào hoạt động xét xử. Sự độc lập đó được xem là sự độc lập trên thực tế đối với các yếu tố bên ngoài và những yếu tố chủ quan của Hội thẩm và Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ xét xử. Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử độc lập có nội dung mới là Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho tới khi kết thúc phiên tòa chứ không chỉ giới hạn bởi “khi xét xử” như quy định của Hiến pháp năm 1992. Việc quy định nghiên cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm trong công tác xét xử là đảm bảo cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.
Tuy nhiên trong quá trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt dư luận xã hội nhưng khi ra quyết định về vụ án, Thẩm phán và Hội thẩm phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét các vấn đề của vụ án một cách độc lập, khách quan, không bị ảnh hưởng, bị ràng buộc bởi các quan điểm, ý kiến bên ngoài của vụ án. Hội đồng xét xử phải xem xét, thẩm tra, đánh giá chứng cứ và các tình tiết khác của vụ án một cách thận trọng, khoa học, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa. Quyết định của Tòa án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa.
Khi xét xử, Thẩm phán độc lập với Hội thẩm trong việc xem xét và đánh giá chứng cứ để đưa ra các kết luận của mình mà không lệ thuộc vào quan điểm, chính kiến của các thành viên khác trong Hội đồng xét xử. Đối với Hội thẩm, không một yêu cầu hay đề nghị nào của những người khác có thể làm ảnh hưởng tới việc Hội thẩm áp dụng đúng pháp luật, theo đúng nội dung và tinh thần của điều luật đối với các tình tiết của vụ án cụ thể. Về nguyên tắc, Thẩm phán không được áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm khi xét xử. Chỉ có thành viên Hội đồng xét xử mới được tham gia nghị án, khi nghị án, Hội thẩm biểu quyết trước, Thẩm phán là người biểu quyết sau cùng. Các vấn đề của vụ án đều phải được giải quyết bằng biểu quyết và quyết định theo đa số. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ vụ án.
Xét xử độc lập không có nghĩa là xét xử tùy tiện mà việc xét xử phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong khuôn khổ của pháp luật. Khi nghiên cứu hồ sơ, quá trình xét xử tại phiên tòa và khi nghị án, Thẩm phán và Hội thẩm phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án, không được tùy tiện, áp đặt ý chí chủ quan trong việc áp dụng pháp luật. Khi thực hiện hoạt động xét xử, hoạt động gắn liền với việc củng cố pháp chế và trật tự pháp luật thì Thẩm phán và Hội thẩm càng phải nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật.
2. Thực tiễn thực hiện nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”
Nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và tuân theo pháp luật” là nguyên tắc quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Thời gian qua việc thực hiện nguyên tắc này đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều hạn chế trong cơ chế đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong các quy định về tổ chức và hoạt động của Tòa án, sự hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội thẩm; vấn đề đạo đức nghề nghiệp chưa được coi trọng; chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán và Hội thẩm chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể:
Thứ nhất, Hội thẩm có vị trí, vai trò quan trọng đảm bảo tính dân chủ, khách quan của hoạt động xét xử, góp phần giúp việc xét xử của Tòa án diễn ra công bằng, chính xác, khách quan. Cùng với Thẩm phán, Hội thẩm là những thành viên không thể thiếu được trong hoạt động xét xử của mỗi vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế các quy định của pháp luật về địa vị pháp lý của Hội thẩm, cơ chế bầu, cử Hội thẩm và thực trạng hoạt động của Hội thẩm còn nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập khiến việc Hội thẩm tham gia hoạt động xét xử của Tòa án còn mang tính hình thức, vẫn chưa phát huy được hết vị trí, vai trò quan trọng mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Qua công tác xét xử cho thấy, Hội thẩm chưa phát huy được hết quyền năng của mình, có những Hội thẩm chỉ đến nghiên cứu kết luận điều tra, bản cáo trạng hoặc có trường hợp không nghiên cứu hồ sơ nhưng vẫn tiến hành hoạt động xét xử tại Tòa án, vì vậy, Hội thẩm sẽ rơi vào tình trạng lệ thuộc, thiếu chủ động trong quá trình chứng minh tội phạm cũng như quyết định việc giải quyết vụ án, khiến cho công chúng nhìn nhận về sự tham gia của Hội thẩm chỉ là hình thức, tham gia cho đủ thành phần.
Hiện nay, pháp luật cũng chưa chính thức giao cho cơ quan nào quản lý thống nhất đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân. Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, hiệp thương lập danh sách Hội thẩm để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm (trừ Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự các cấp do cơ quan có thẩm quyền cử theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân). Trong khi đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hầu như rất ít thực hiện giám sát hoạt động của Hội thẩm do mình giới thiệu hoặc bầu ra. Tòa án chỉ quản lý Hội thẩm trong thời gian họ nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử. Hiện nay, mặc dù các địa phương có thành lập Đoàn Hội thẩm, nhưng là tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự quản. Ngoài thời gian tham gia hoạt động xét xử, Hội thẩm sinh hoạt tại cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc địa phương nơi họ sinh sống, nên đối với một số vụ án có tính chất nhạy cảm dễ bị tác động, sức ép và dễ phát sinh tiêu cực.
Thứ hai, Thẩm phán, Hội thẩm cũng có thể bị áp lực khác tác động, khiến họ lúng túng khi tham gia xét xử như hiện tượng can thiệp của chính quyền địa phương, của Chánh án Tòa án, của tổ chức Đảng vào hoạt động xét xử. Hiến pháp hiện hành không quy định mối quan hệ hành chính giữa Tòa án các cấp, mối quan hệ giữa Tòa án các cấp là mối quan hệ tố tụng, điều này có nghĩa là không có Tòa án cấp trên và không có Tòa án cấp dưới mà chỉ có Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm, các Tòa án thực hiện chức năng giám đốc thẩm và tái thẩm và các Tòa án thực hiện chức năng xét xử độc lập với nhau.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng Tòa án cấp trên quản lý Tòa án cấp dưới cả về tổ chức, tài chính và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ. Tình trạng can thiệp từ phía lãnh đạo Tòa án vào hoạt động xét xử, trong một số trường hợp đã can thiệp sâu vào công việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm hoặc cũng có trường hợp vì lợi ích cá nhân mà Chánh án chỉ thị, định hướng cho Hội đồng xét xử. Trên thực tế, tình trạng Thẩm phán tham khảo ý kiến của lãnh đạo Toà án còn cao. Việc trao đổi ý kiến lãnh đạo về “đường lối giải quyết vụ án” vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong các thẩm phán tỉnh và huyện.
Tòa án nhân dân tối cao đã có yêu cầu nghiêm cấm sự can thiệp vào hoạt động xét xử, nhưng trên thực tế không ít Tòa án địa phương vẫn còn tồn tại cơ chế này. Tình trạng “báo cáo án”, “thỉnh thị án” đã phá vỡ nhiều nguyên tắc quản lý và nguyên tắc tư pháp trong hoạt động tòa án, như “nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập”, “nguyên tắc xét xử tập thể”, làm cho những nguyên tắc này trở nên hình thức và không được tôn trọng, làm giảm vai trò của Hội thẩm, phá vỡ nguyên tắc tính đại diện của nhân dân trong xét xử. Thẩm phán, Hội thẩm đôi khi còn chịu áp lực của công luận khi đăng tải nhiều bài viết về một vụ án chưa xét xử; chịu ảnh hưởng và tác động của bản kết luận điều tra hoặc cáo trạng khi nghiên cứu hồ sơ nên có thể không độc lập trong quá trình xem xét và đánh giá chứng cứ.
Thứ ba, không ít Thẩm phán và Hội thẩm còn lệ thuộc vào kết quả điều tra, những thông tin, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Trong nhiều trường hợp, Hội đồng xét xử tin vào kết quả điều tra có trong hồ sơ vụ án mà không coi trọng tới những ý kiến trình bày tại phiên tòa, chưa thực sự coi trọng nguyên tắc tranh tụng mà vẫn nặng về thẩm vấn, xét hỏi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng. Do đó, phán quyết của Hội đồng xét xử còn mang tính áp đặt, còn tình trạng xét xử oan sai, trái pháp luật; bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới bị Tòa án cấp trên hủy, sửa nhiều.
Thứ tư, quy trình tuyển chọn Thẩm phán còn nhiều bất cập, việc tuyển chọn Thẩm phán không được pháp luật quy định phải công bố công khai, rộng rãi nên không tạo được tính cạnh tranh. Thực tế việc tuyển chọn Thẩm phán cơ bản là quy trình khép kín trong nội bộ ngành Tòa án, chưa có cơ chế khuyến khích những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc tuyển chọn làm Thẩm phán, vì thế không thu hút được người tài, giỏi. Hiện tại, bên cạnh những Thẩm phán được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có bề dày kinh nghiệm và kỹ năng xét xử, vẫn còn không ít Thẩm phán hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không có bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu tự tin, sợ trách nhiệm, không tự quyết định được các tình huống khi xét xử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới nguyên tắc xét xử độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm.
Thứ năm, chế độ tiền lương của Thẩm phán và chế độ, chính sách đối với Hội thẩm chưa hợp lý. Mức lương của Thẩm phán ở nước ta hiện nay là rất khiêm tốn, không đảm bảo được mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ. Điều này sẽ làm cho Thẩm phán không yên tâm công tác, dễ bị những tác động, cám dỗ hoặc tham nhũng khi tham gia hoạt động tố tụng. Đối với Hội thẩm, ngoài chế độ về trang phục, Hội thẩm chỉ có chế độ bồi dưỡng phiên tòa với mức 90.000 đồng/ngày nghiên cứu hồ sơ hoặc xét xử. Trong khi đó, pháp luật quy định khi tham gia xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, nhưng một số chế độ của Thẩm phán như phụ cấp công vụ, phụ cấp trách nhiệm nghề, thì Hội thẩm lại không được hưởng cũng là không hợp lý.
Pháp luật cũng chưa quy định các biện pháp bảo vệ Thẩm phán, Hội thẩm và gia đình họ trong những trường hợp cần thiết. Thực tế đã có nhiều trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm bị các đối tượng đe dọa, trả thù, thậm chí những người thân của họ cũng bị đe dọa, trả thù, vì vậy, cần phải có những quy định về bảo vệ đối với tính mạng, tài sản của Thẩm phán, Hội thẩm và gia đình họ ngoài thời gian tham gia xét xử để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ xét xử của mình, đặc biệt là xét xử những vụ án lớn, vụ án có bị cáo là đối tượng nguy hiểm.
Trên đây là những chia sẻ của Luật 24H . Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn biết rõ các thông tin pháp lý liên quan đến vấn đề trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về dịch vụ này hay các vấn đề pháp lý khác thì đừng ngại liên hệ với chúng tôi theo hotline: 1900 6574 hoặc truy cập theo website https://luat24h.net để nhận được sự giúp đỡ từ chúng tôi.
Tham khảo thêm các bộ luật hiện hành Tại đây
>> Xem thêm: Mức tiền nuôi con sau ly hôn ? – Hãng luật 24H
>> Xem thêm: Xác định nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng – Hãng luật 24H
>> Xem thêm: Định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng – Hãng luật 24H
Bài viết được thực hiện bởi Công ty Luật 24H
0 Chức vụ: Chủ sở hữu Website
( Lĩnh vực: Luật sư Bào chữa, bảo vệ, tư vấn, Trung tâm pháp lý
& Trình độ đào tạo: Công ty Luật TNHH
6 Số năm kinh nghiệm thực tế: 20 năm
4 Tổng số bài viết: 66.359 bài viết
CAM KẾT CỦA HÃNG LUẬT 24H:
– Luôn hỗ trợ khách hàng 24/7;
– Chi phí hợp lý nhất thị trường;
– Hỗ trợ nhanh chóng nhất cho khách hàng;
– Bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.
————————————————————–
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Trụ sở chính : số 69/172 Phú Diễn, P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Tp.Hà Nội.
Hotline : 19006574
Email : hangluat24h@gmail.com
Website : luat24h.net
Facebook : https://www.facebook.com/congtyluat24h/
Luật 24H – “Hãng luật của Mọi người, Mọi nhà"