Xử lý hành vi cố ý gây thương tích cho người khác
Xử lý hành vi cố ý gây thương tích cho người khác theo quy định mới nhất, luật 24H cam kết tư vấn 24/7, với thông tin chuẩn xác nhất, giá cả phải chăng, bảo vệ quyền lợi khách hàng tốt nhất.
Các Luật sư của Luật 24H sẽ giúp bạn giải quyết tất cả những vấn đề trên.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017
Giải quyết vấn đề
1. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Điều 134 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
2. DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC
2.1. Khách thể của tội phạm
Điều 20 Hiến pháp 2013 khằng định rằng: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khoẻ. Tội phạm xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khoẻ của con người.
Do đó, khách thể của tội phạm là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ như: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc v.v… Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không làm cho nạn nhân bị chết.
Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khoẻ ở mức đáng kể. Nếu thương tích không đáng kể thì chưa phải là tội phạm. Theo Điều 134 Bộ luật hình sự, nếu người bị gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên thì người thực hiện những hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người đó mới bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể bị hại dưới 11% nhưng người phạm tội thực hiện những hành vi sau đây vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người.
Vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm chính là phương tiện mà người phạm tội thực hiện để gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, nhưng phương tiện đó mang tính chất nguy hiểm như dao, các loại lê, các loại súng, lựu đạn, thuốc nổ, axit…
Vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm là do bản thân nó chứa đựng khả năng gây ra nguy hiểm đến tính mạng sức khoẻ, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào cách sử dụng của người phạm tội. Ví dụ: Dao là một vật sắc, trong đời sống hàng ngày, người sửa dụng dao để cắt thái cũng có thể bị đứt tay, bản thân nó là vật nguy hiểm cần cẩn thận khi sử dụng. Nếu người phạm tội sử dụng dao để gây nguy hại cho người khác, dù họ dùng đúng cách hay không biết dùng cũng dễ gây nguy hại hơn những đồ vật khác.
Thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người như đốt cháy, đầu độc, bắn vào chỗ đông người. Thủ đoạn là do người phạm tội thực hiện, do đó tính chất nguy hiểm phụ thuộc vào hành vi phạm tội chứ không phụ thuộc vào phương tiện mà người phạm tội sử dụng.
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm.
Khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất năm 2007 quy định:
“Hóa chất nguy hiểm là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau đây theo nguyên tắc phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất:
a) Dễ nổ;
b) Ôxy hóa mạnh;
c) Ăn mòn mạnh;
d) Dễ cháy;
đ) Độc cấp tính;
e) Độc mãn tính;
g) Gây kích ứng với con người;
h) Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư;
i) Gây biến đổi gen;
k) Độc đối với sinh sản;
l) Tích luỹ sinh học;
m) Ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ;
n) Độc hại đến môi trường.”
Axit là một hợp chất hóa học mà trong thành phần phân tử của các chất đó đều có chứa 1 hay nhiều nguyên tử hiđro liên kết với gốc axit ( ví dụ -Cl, =SO4, -NO3). Hay một định nghĩa tương tự đó là Axit là một hợp chất hóa học mà khi hòa tan trong nước sẽ tạo được dung dịch có độ pH nhỏ hơn 7. Về tính chất hóa học, aixt là hợp chất có tính oxy hóa, có tính ăn mòn, axit mạnh là những axit có tính oxy hóa cao, mức độ ăn mòn lớn . Do đó trong quy định về hóa chất nguy hiểm đã bao hàm cả axit mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huệ – nguyên Phó Viện trưởng Viện Bỏng quốc gia, do axit có thể phản ứng với các protein trên cơ thể bao gồm: da, móng tay, chân, tóc… nên khi tiếp xúc, axit nhanh chóng làm vón đông các protein trên da và hút nước của tế bào, gây ra những tổn thương nặng nề.
Theo các chuyên gia, do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ, gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể. Chất này tác động rất nhanh đến da, chỉ cần dính vào chưa đầy 5 giây có thể khiến nạn nhân bỏng nặng. Nếu không được sơ cứu kịp thời, axit sẽ tiếp tục làm cháy da, tổn thương xương và các bộ phận khác.
Khi các đối tượng sử dụng a-xít, hóa chất tấn công nạn nhân, tuy nạn nhân không chết nhưng làm cho nạn nhân tàn phế, gây ra những hậu quả nặng nề như trên, tổn thương khủng khiếp về tinh thần, làm cho dư luận phẩn uất.
Do đó, dù tỉ lệ thương tổn cơ thể dưới 11% thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
Những hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cơ thể đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ nếu không phải là tình tiết định khung hình phạt thì sẽ là tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự. Việc quy định này xuất phát từ chính sách bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội của Nhà nước cũng như truyền thống đạo đứa “kính già yêu trẻ”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
Phụ nữ mà biết là có thai tức là khi thực hiện tội phạm, người phạm tội biết chắc nạn nhân là phụ nữ mang thai (dù nạn nhân mang thai thật hay do người phạm tội hiểu lầm) mà vẫn thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe.
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam mới chỉ có khái niệm “Người cao tuổi” quy định Điều 2 Luật người cao tuổi. Tại Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì“Người già” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên và tại điểm a tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì “Người quá già yếu” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Riêng đối với khái niệm “Người già yếu” quy định tại các điều luật nói trên của Bộ luật Hình sự năm 2015, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong áp dụng pháp luật. Người ốm đau là người đang bị bệnh tật, có thể điều trị ở bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân hoặc tại nhà riêng của họ.
Người ở trong tình trạng không thể tự vệ được là người do bản thân họ bị hạn chế về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do bẩm sinh hoặc do những điều kiện khách quan đem lại, như người bị tâm thần, bị bại liệt, bị mù, bị điếc, bị câm, bị tàn tật …; người đang ngủ say, đang bị bệnh nặng; đang ở trong tình thế khó khăn không thể tự vệ được, v.v..
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình
Đây là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mang tính chất phản trắc, bội bạc; đáng lẽ người phạm tội phải có nghĩa vụ kính trọng. Việc nhà làm luật coi trường hợp giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo, chữa bệnh cho mình là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự ( tình tiết định khung tăng nặng) là xuất phát từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống nhân nghĩa.
– Ông, bà gồm ông bà nội (người sinh ra bố của thủ phạm), ông, bà ngoại (người sinh ra mẹ của thủ phạm);
– Cha, mẹ được hiểu là cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ nuôi. Cha, mẹ đẻ là người đã sinh ra người phạm tội. Cha, mẹ nuôi là người nhận người phạm tội làm con nuôi được pháp luật thừa nhận;
– Người nuôi dưỡng là người chăm sóc, quản lý, giáo dục người phạm tội như vai trò của bố mẹ mình;
– Thầy giáo, cô giáo của mình là người trực tiếp giảng dạy mình về văn hoá, chuyên môn, nghề nghiệp, v.v…
– Người chữa bệnh là bác sĩ, y tá, hộ lý,… trong bệnh viện, ngoài tư nhân, người đã chăm sóc, chữa trị cho người phạm tội lúc đau bệnh.
đ) Có tổ chức.
Là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công; có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người.
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Chủ thể thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là người có chức vụ quyền hạn, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, quản lý trong Bộ máy chính trị, hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội. Quyền hạn của chủ thể này có thể do pháp luật định hoặc do các cơ quan, tổ chức giao cho họ để thi hành nhiệm vụ. Đây là tình tiết mới được bổ sung trong Bộ luật hình sự năm 2015.
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được coi là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn, vì họ đang bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, hoặc đang bị quản lý chặt chẽ mà họ vẫn phạm tội, nên người phạm tội tuy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho người bị hại với tỷ lệ thương tật chưa đến 11% vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không bị coi là phạm tội trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi người phạm tội đã bỏ trốn khỏi các cơ sở trên hoặc đã chấp hành xong hình phạt của mình.
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê.
Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trường hợp thủ phạm không trực tiếp hành động, mà giấu mặt, dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để yêu cầu người khác thực hiện hành vi phạm tội giết người.
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuê là hành vi của một người nào đó trong ý thức ban đầu không muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng vì được người khác thuê, nếu thực hiện tội phạm này theo yêu cầu của người thuê, thì sẽ nhận được những lợi ích nhất định nên đã thực hiện hành vi giết người.
Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác xảy ra (có người thuê, mới người làm thuê).
i) Có tính chất côn đồ.
Là trường hợp khi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người thi hành công vụ là trường hợp nạn nhân đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung của Nhà nước, xã hội như thầy giáo đang giảng bài, cán bộ đang coi thi, cán bộ thuế đang thu thuế, cán bộ kiểm lâm đang bảo vệ rừng…
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe vì lý do công vụ của nạn nhân thể hiện nhiệm vụ mà nạn nhân được giao có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên thủ phạm đã chủ động gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của họ. Hành vi này có thể xảy ra trước hoặc sau khi người bị hại thực thi công vụ. Người phạm tội với động cơ nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ.
Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.. Trong đó, nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể nạn nhân từ 31% trở lên thì người sử dụng vũ lực trái phép trong khi thi hành công vụ mới bị coi là phạm tội.
Ngoài các hành vi kể trên, Khoản 5 Điều 134 Bộ luật Hình sự còn quy định thêm 02 hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cơ thể người khác đặc biệt nghiêm trọng là “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người” và “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”.
Trong đó, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân lá ngoài ý muốn của người phạm tội.
Thương tích dẫn đến chết người, trước hết phải là thương tật nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích này, tức là giữa cái chết của nạn nhân và thương tích mà người phạm tội gây ra cho nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả. Ví dụ: A chém B làm cho B bị đứt động mạch chủ và do bị mất nhiều máu nên B bị chết.
Không coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, trong trường hợp nạn nhân chỉ bị thương tích nhẹ, nhưng vì những lý do khách quan nên nạn nhân bị chết. Ví dụ, A đâm 1 nhát dao vào bụng B, sau đó B được đi cấp cứu để phẫu thuật, khi được đưa vào phòng phẫu thuật, y tá tiêm cho B một liều thuốc trợ lực nhưng B lại dị ứng với một số thành phần có trong thuốc. Do đó khi vừa rút kim ra, B đã chết. Trường hợp này nguyên nhân cái chết của B là do dị ứng với một số thành phần của thuốc trợ lực chứ nguyên nhân cái chết không nằm ở nhát dao của A.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là cấu thành vật chất. Hậu quả thương tổn của nạn nhân là điều kiện bắt buộc đối với tội phạm này. Giữa hành vi thực hiện tội phạm và hậu quả xảy ra phải là mối quan hệ nhân quả. Hành vi phạm tội là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỉ lệ thương tật của nạn nhân.
Điều 134 Bộ luật Hình sự còn quy định trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Theo Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Theo đó, chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người phạm tội là chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được thực hiện bởi bất kỳ người nào đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được thực hiện bởi bất kỳ người nào. Đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không quốc tịch.
Thứ hai, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Khoản 4,5 Bộ luật Hình sự. Theo khoản 1 Điều 12, người từ đử 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi loại tội phạm. Như vậy người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện hành vi quy định từ Khoản 1 đến Khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Thứ ba, người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Tức là người đó phải có cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Nếu người đó phạm tội trong trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Chủ thể thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết rõ mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình gây ra, nhận thức rõ hành vi đó có thể gây tổn hại đến thân thể người khác và nhìn thấy trước hậu quả làm tổn thương đến thân thể, sức khỏe người bị hại. Tuy nhiên người phạm tội vẫn mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
3. HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC
Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định 06 khung hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
– Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; có tính chất côn đồ; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
– Khung hình phạt phạt tù từ 02 năm đến 06 năm áp dụng với các trường hợp: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
– Khung hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ Điểm a đến Điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ Điểm a đến Điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
– Khung hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 14 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: làm chết người; gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều này; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ Điểm a đến Điểm k khoản 1 Điều này.
– Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi người phạm tội thực hiện hành vi: làm chết 02 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
– Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm áp dụng trong trường hợp chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Dịch vụ hỗ trợ của Luật 24H
Đến với chúng tôi, chúng tôi sẽ đồng hành và hỗ trợ bạn các dịch vụ liên quan đến Xử lý hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, bao gồm:
Tư vấn các vấn đề có liên quan Xử lý hành vi cố ý gây thương tích cho người khác
Soạn thảo hồ sơ có liên quan đến hình sự , dân sự, đất đai, thừa kế, hôn nhân…
Giao kết quả đến tận tay cho khách hàng.
Trên đây là những chia sẻ của Luật 24H . Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn biết rõ các thông tin pháp lý liên quan ở bài viết phía trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về dịch vụ hay các vấn đề pháp lý khác thì đừng ngại liên hệ với chúng tôi theo hotline: 1900 6574 hoặc truy cập theo website https://luat24h.net để nhận được sự giúp đỡ từ chúng tôi.
Tham khảo thêm các bộ luật hiện hành Tại đây
Bài viết được thực hiện bởi Công ty Luật 24H
0 Chức vụ: Chủ sở hữu Website
( Lĩnh vực: Luật sư Bào chữa, bảo vệ, tư vấn, Trung tâm pháp lý
& Trình độ đào tạo: Công ty Luật TNHH
6 Số năm kinh nghiệm thực tế: 20 năm
4 Tổng số bài viết: 66.359 bài viết
CAM KẾT CỦA HÃNG LUẬT 24H:
– Luôn hỗ trợ khách hàng 24/7;
– Chi phí hợp lý nhất thị trường;
– Hỗ trợ nhanh chóng nhất cho khách hàng;
– Bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.
————————————————————–
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Trụ sở chính : số 69/172 Phú Diễn, P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Tp.Hà Nội.
Hotline : 19006574
Email : hangluat24h@gmail.com
Website : luat24h.net
Facebook : https://www.facebook.com/congtyluat24h/
Luật 24H – “Hãng luật của Mọi người, Mọi nhà"